Đền Nưa - Am Tiên là một khu tâm linh nổi tiếng của xứ Thanh thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Nơi đây là một trong ba huyệt đạo nổi tiếng linh thiêng của đất nước và cũng là nơi gắn với di tích của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu. Am Tiên còn có tên gọi khác là Kinh Triệu Quận (tức là Kinh đô của Bà Triệu). Nơi đây còn có đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, đền thờ ông Tu Nưa.
Đường lên núi Nưa sương giăng ngày đầu xuân. |
Sử cũ còn ghi, chính ở Ngàn Nưa linh thiêng này, năm 248, Bà Triệu đã tập hợp nghĩa sĩ, luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Đông Ngô. Tương truyền Am Tiên từng là nơi cất giấu vũ khí, lương thực và rèn luyện binh đao của Bà.
Đền Nưa linh thiêng với những thăng trầm
Đến với vùng núi rừng linh thiêng này chúng ta không thể không đến với Đền Nưa. Đây là nơi thờ của Bà Triệu. Tương truyền, ngôi đền này có từ rất xa xưa và đã từng là một ngôi đền hết sức nguy nga. Vào thời Cần Vương, để trả thù trận tấn công Nông Cống của nghĩa quân Tống Duy Tân, giặc Pháp đã triệt phá Đền Nưa và cả làng Cổ Định. Nhân dân đã thu nhặt gạch đá từ đống hoang tàn để dựng tạm một mái thờ bát hương để tiếp tục thờ Bà.
Nghinh môn Đền Nưa có từ thời Tự Đức |
Vào cuối thời vua Tự Đức có cụ tri huyện Cao Bá Đạt - một người luôn hương khói cho Bà đã được Bà run rủi săn được một con hươu quý để dâng nhà vua. Nhân dịp đó, Cụ đã tấu với vua Tự Đức về sự hoang tàn của ngôi đền nữ anh hùng Triệu Thị Trinh. Vua Tự Đức đã ban 1200 quan tiền để trị huyện và bà con quanh vùng xây dựng lại ngôi đền. Hiện nay, nghi môn của đền chính là di tích từ thời vua Tự Đức.
Đỉnh Am Tiên - chốn bồng lai tiên cảnh
Từ chân núi Nưa lên đỉnh Am Tiên còn khoảng 4 km đường đất ngoằn nghèo nhưng quanh năm in dấu hành hương của người dân tứ xứ về thắp hương cầu lộc. Nằm trên độ cao hơn 500 m so với mực nước biển, khí hậu ở Am Tiên quanh năm mát mẻ. Hai bên đường vào khu du tích lại được phủ một màu xanh rì của những cây xà cừ cổ thụ khiến không gian càng thêm thuần khiết, uy nghi.
Nghinh môn Đền Am Tiên |
Vào mùa xuân, càng lên cao, sương mờ càng sánh đặc quyện trong cây lá. Sương không chỉ xuất hiện trong những ngày ít nắng mà chờn vờn bao phủ khắp Am Tiên suốt những tháng đầu năm từ sáng sớm đến tận trưa. Sương ẩn hiện khắp lối đi, hòa quyện trong vườn đào, ôm ấp những cánh hồng mỏng manh bung nở đón xuân, khiến du khách bước đến cứ ngỡ như lạc giữa chốn bồng lai tiên cảnh giữa đời trần.
Chùa Am Tiên trên đỉnh Am Tiên |
Để lên trên đỉnh núi Ngàn Nưa, du khách phải đi men theo con đường mòn cao chót vót, khi đến giữa núi Nưa sẽ gặp một cái miếu gọi là Khe Đông Đốt, miếu thờ vị tướng họ Trần tên là Trần Tu Viên còn gọi là Hoàng My Tiên Sinh...
Huyệt đạo linh thiêng
Từ cổng đền Am Tiên đi sâu vào trong sẽ thấy huyệt thiêng. Đó là khoảng đất rộng hơn 100 mét vuông được rào chắn kỹ lưỡng. Ngay lối vào là phiến đá trắng có khắc dòng chữ "Cầu cho quốc thái dân an". Đây được xem là 1 trong 3 huyệt đạo thiêng nhất cả nước. Một là ở núi Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội), hai là ở núi Bà Đen (Tây Ninh) và ba chính là đền Am Tiên, núi Nưa (Thanh Hóa). Theo sử sách để lại, đây chính là 1 trong những huyệt đạo quan trọng nhất của nước Nam, mà tướng Cao Biền không thể trấn yểm nổi.
Tại huyệt đạo thiêng liêng này, năng lượng vũ trụ rất mạnh. Nếu chúng ta nhắm mắt lại để thiền. Chỉ một lát sau khi thả lỏng cơ thể, tập trung mọi suy nghĩ lên đôi mắt, các bạn sẽ thấy có màu đỏ, rồi chuyển sang màu da cam, cuối cùng là màu trắng xanh. Đợi thêm chút nữa các ban sẽ thấy trong màu trắng xanh có lẫn các hạt bụi chuyển động. Trong một khoảnh khắc ấy, bạn sẽ cảm thấy mình như đang bay bổng giữa trời đất bao la và đang hòa cùng với những chuyển động của vũ trụ. Cảm giác thư thái, nhẹ nhõm ấy quả không dễ nào có được.
Trống đồng nơi huyệt thiêng |
Đứng trên đỉnh Am Tiên, ở độ cao 538 m so với mực nước biển, vào những ngày đẹp trời nhìn xuống vùng đồng bằng Nông Cống, Triệu Sơn với đồng ruộng, xóm thôn thật yên bình. Này là dòng Lãn Giang hiền hòa bên những cánh đồng trù mật, xanh ngắt. Này là giếng Tiên, ao Hóp, nơi các nàng tiên tắm mát trước khi trở về trời. Kia là núi Tía, núi Lễ Động gắn liền với truyền thuyết ẩn sĩ Tu Nưa nhiều pháp thuật...
Theo sử sách, Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa tại nơi đây. Trên đỉnh núi Nưa, Bà cho xây dựng một am thờ là Bích Vân Cung Tự còn gọi là Am Tiên.
Vào thời nhà Hồ, Am Tiên là nơi ẩn cư của một tiều phu gọi là Hoàng My Tiên Sinh. Ống chính là một tướng tài Trần Tu Viên giấu mình trên đỉnh Am Tiên để tu tiên mà không chịu ra giúp nhà Hồ đánh nhà Trần. Sau nhiều lần mời gọi không được, Hồ Hán Thương tức giận đã cho đốt ngọn núi với hy vọng ông sẽ bỏ núi để quay về triều. Nhưng ông thà chết chứ không thèm về phục sự nhà Hồ. Ông chết và hóa thành con chim Hạc. Chuyện còn kể rằng: Đốt núi xong, không thấy ông xuống, quân, tướng nhà Hồ lên núi để tìm ông. Khi đến nơi chỉ có thấy thân xác đã cháy của ông. Đúng lức đó thấy trên trời cao có một cánh hạc bay kêu vang và thả xuống một đôi câu đối:
Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn
Cao vọng sơn lầu khách tứ sầu
Tạm dịch: Hồn chết đã về biển Kỳ La
Khách đến núi cao chỉ có buồn.
Rất tiếc am thờ đó ngày nay không còn. Nếu ta đến đây chỉ thấy một biển nhỏ đề: Di tích Am Tiên.
Huyệt đạo vào ngày lễ hội. |
Đỉnh Ngàn Nưa sau này là trung tâm của đạo Tu Tiên. Những tên gọi của các đỉnh núi ở Ngàn Nưa đều nhắc nhớ đến bóng dáng các đạo sĩ tu tiên, như đỉnh Các Sơn, Tượng Sơn, núi Sẻ, Bể Cạn... cùng những dấu tích như bàn cờ Tiên, chùa Tiên, giếng Tiên, vườn Đào Tiên, vườn thuốc Tiên... mang đậm truyền thuyết, huyền thoại ly kỳ, hấp dẫn.
Giếng Tiên kỳ bí
Rời huyệt thiêng trong cảm giác lâng lâng khó tả, chúng ta như lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh trên đường vào Giếng Tiên. Hai bên lối đi được phủ kín một màu hồng đào của những cành đào phai nở rộ sau Tết đẹp đến say lòng người. Những cánh đào hồng tươi rớt xuống tựa như tấm thảm nhung ướt đẫm sương rơi. Vì thế, người ta còn gọi nơi đây là Động Đào.
Giếng Tiên |
Truyền thuyết kể rằng các tiên nữ xưa kia thường xuống đây hái đào và tắm nước giếng, vì thế mới gọi là Giếng Tiên. Đây cũng chính là giếng dành riêng để Bà Triệu lấy nước rửa mặt mỗi khi xung trận. Phía dưới vài trăm mét có một hố nước rộng gọi là Ao Hóp, nơi cung cấp nước sinh hoạt cho nghĩa quân Bà Triệu.
Giếng Tiên ngày lễ hội |
Lòng Giếng Tiên rất cạn, chỉ sâu chừng 3 m, lại ở tận đỉnh núi cao nhưng kỳ lạ thay nước giếng không bao giờ cạn dù nắng hạn kéo dài. Nghe nói nước từ Giếng Tiên rất linh thiêng. Các du khách đến đây đều tranh nhau xin nước Giếng Tiên về để dâng nước cúng lên bàn thờ tổ tiên để cầu mong sức khỏe, tài lộc.
Lễ hội đền Nưa - Am Tiên
Lễ hội bắt đầu từ 15 - 20 tháng Giêng hàng năm. Theo tín ngưỡng dân gian: Huyệt đạo trên đỉnh núi này là huyệt khí thiêng! Ngày 9 tháng Giêng hàng năm là ngày mở cửa trời.
Lễ hội Đền Nưa - Am Tiên |
Người dân hành hương về đây cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc, người người khỏe mạnh, tài năng tiến tới, công thành danh toại.
Những chuyện kỳ bí nơi đây
Nơi đây, lưu truyền khá nhiều các câu chuyện tâm linh ly kỳ. Người viết chỉ xin lược trích một vài câu chuyện để hầu bạn đọc:
Câu chuyện rắn thần: Vào đêm mùng 1 Tết năm 2010, có một “ông” rắn to bằng cổ tay, dài hơn 1m bò vào mép bức tường hoa ngay trước sân đền thờ Bà Triệu và nằm cuộn tròn tại đây. Sau đó, Ông bò vào ban thờ, đến ngày mùng 3 tết thì bò lên mái đền, phía trên bệ thờ và nằm vắt vẻo trên đó. Kỳ lạ là hơn một năm, Ông chỉ nằm ở một tư thế, không thấy bò đi kiếm ăn, cũng không gây hại và cắn ai bao giờ. Mãi một ngày giữa tháng 3/2012, bỗng không ai thấy Ông đâu nữa.
Câu chuyện về tai nạn của một công ty khai khoáng: Chuyện có thật xảy ra với cán bộ, công nhân một Công ty chuyên khai thác quặng crome ngay tại dưới chân núi khiến họ hoang mang, sợ hãi. Câu chuyện tóm tắt như sau:
Vào một ngày giữa năm 2011, anh D phát hiện dưới hố khai thác quặng (độ sâu khoảng 10 m) có một vật lạ. Sau khi anh D gột rửa hết bùn đất thì thấy đấy là một khúc gỗ hình thù giống con chó đang chạy, màu nâu bóng nhoáng. Thấy đẹp, anh D đem vật đó về phòng mình ở khu tập thể công ty, định đem về nhà. Nhưng khi về quê, anh D lại để quên vật đó lại nhà người bạn thân.
Được ít hôm, hơn 10 người trong công ty cứ hết người này đến người khác bị tai nạn. Người tự đâm vào đống đất, đống đá, kẻ tự va vào cột điện bên đường rồi ngã. Người nhẹ thì gãy chân, tay, nặng thì chấn thương sọ não. Người bạn thân của anh D thì bị ngã khi đang trên đường đi làm về.
Riêng anh D bị nặng nhất. Đang trên đường chở bạn gái đi chơi Sầm Sơn về, xe máy của anh D bị chiếc xe 7 chỗ từ phía sau chồm tới. Bạn gái anh D thiệt mạng tại chỗ. Anh D bị chấn thương sọ não, mất mấy tháng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa rồi chuyển ra Bệnh viện Việt - Đức- Hà Nội, nhưng may mắn thoát chết. Cả công ty lúc đó cứ nháo nhào cả lên. Người ta xôn xao việc công ty khai thác quặng, động đến đất thiêng, hoặc có ai lấy vật gì của đền, phủ… nên bị phạt?!
Tình cờ, có người phát hiện và nói cho biết vật bằng gỗ chính là vật thờ cúng của Đền Nưa - Am Tiên bị thất lạc. Giữa lúc anh D và một số người đang còn nằm điều trị tại các bệnh viện thì người của công ty đã phải đem vật đó làm lễ và xin đưa “ngài” lên Am Tiên… Lạ kỳ thay, từ ngày “ngài” được trả về đền, mọi người trong công ty lại “tai qua nạn khỏi”.
Không biết có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có chuyện thánh thần quở phạt như mọi người suy luận.
Đánh giá nơi đây là chốn tâm linh linh thiêng có tầm vóc với huyệt đạo linh thiêng, với di tích của Bà Triệu, với cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án đầu tư tôn tạo khu du lịch tâm linh này với số vồn đến 1400 tỷ đồng. Dự án đã bắt đầu vào năm 2015 và hoàn thành vào năm 2024.
Phối cảnh huyệt đạo tại núi Nưa sau khi tu tạo mới |
Chắc chắn, sau này nơi đây sẽ trở thành một nơi du lịch tâm linh bậc nhất của tỉnh Thanh.
EmoticonEmoticon