Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018

Nhân ngày tiệc Mẫu kể chuyện về Mẫu

        Liễu Hạnh Công Chúa theo sử sách bà là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Đại Đế được phái xuống trần để cứu dân độ thế, mà sau này nhân dân thường gọi bà với cái danh Mẫu Nghi Thiên Hạ. Trong các lần giáng thế, bà đều là tấm gương điển hình về Công, Dung, Ngôn, Hạnh của người phụ nữ Việt Nam.  Đối với cha mẹ thì tận tâm báo hiếu, đối với tình nghĩa vợ chồng thì son sắt thủy chung, đối với nhân dân thì đầy lòng nhân ái, bao dung, đối với kẻ thù thì thẳng tay trừng trị.

Phiên Tiên Hương - Nơi giáng sinh lần thứ hai của Mẫu

        Truyền thuyết kể rằng: Lần giáng sinh lần thứ nhất bà có tên là Phạm Tiên Nga. Phạm Tiên Nga  xinh đẹp, thông minh, nết na, giỏi giang từ nhỏ, càng lớn càng xinh đẹp, mọi việc nữ công gia chánh đều thành thạo, đảm đang. 
       Trong lần giáng sinh này, bà nổi tiếng là người con hiếu thảo. Ngay từ năm 15 tuổi đã có nhiều người đến dạm hỏi nhưng bà đều khước từ để toàn tâm báo hiếu chăm sóc cha mẹ già yếu, ốm đau, canh cửi quán xuyến công việc gia đình. Khi cha mẹ qua đời, bà một tay lo tang lễ chu đáo. Chỉ khi cha mẹ mồ yên mả đẹp đầy đủ, bà mới dứt áo ra đi cứu độ nhân sinh.

Phủ Tây Hồ - Nơi Mẫu đối thơ với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan

       Bà nổi tiếng là người phụ nữ thiện tâm, sẵn sàng xả thân mình vì xã hội.  Sau khi cha mẹ mất bà đã dồn hết tiền bạc công sức để giúp dân đắp đê ngăn nước, làm cầu đá, khơi ngòi dẫn nước tưới tiêu, khai khẩn đất ven sông, giúp tiền bạc cho người nghèo, chữa bệnh cho người ốm, sửa đền chùa, cấp lương bổng cho các vị hương sư, khuyên họ cố sức dạy dỗ con em nhà nghèo được học hành. Tại chùa Đồn xá, bà còn chiêu dân phiêu tán, lập ra làng xã, dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải.
       Ngay từ lần giáng sinh này bà đã nổi tiếng là người mộ phật. Bà đã bỏ tiền xây chùa Kim Thoa, tham gia tu sửa 4 ngôi chùa khác là chùa Sơn Trường, Long Sơn, Thiện Thành. Chính thế, sau này sau trận chiến Đèo Ngang - Phố Cát bà có duyên được quy Phật để thỏa tâm nguyện thờ Phật ngay từ lúc giáng sinh lần thứ nhất của bà.
       Trong lần giáng sinh thứ hai, ngay từ lúc mới sinh bà đã tỏa ra một mùi hương thơm ngát nên được đặt tên là Lê Giáng Hương. Khi lớn lên, bà là một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, giỏi đủ cầm kỳ thi họa. Bà là một tấm gương lớn hết mực thương chồng, thương con. Năm 21 tuổi, hết hạn trần gian bà buộc phải về trời bỏ lại bố mẹ chồng, chồng và hai con thơ.  Nhưng khi về trời lòng bà chỉ canh cánh ngày đêm da diết nỗi nhớ cha mẹ, chồng con nên bà năn nỉ vua cha xin xuống trần gian lo cho gia đình.
Phủ Quảng Cung - Nơi giáng sinh lần thứ nhất của Mẫu

       Bà giấu đi sự ngậm ngùi trong cảnh âm dương, động viên chồng không buồn vì duyên số chia ly mà hãy cố gắng luyện chí lớn theo đuổi sự nghiệp công danh, động viên chồng thay nàng chăm sóc con thơ, phụng dưỡng cha mẹ già. Bà còn cố gắng vượt qua bức tường âm dương để làm việc giúp chồng quét dọn, sửa sang nhà cửa, may vá quần áo cho chồng cho con để chồng tập trung học hành. Cứ như thế, thỉnh thoảng bà lại hiện về, làm xong các việc rồi lại biến đi. Ròng rã hàng chục năm sau, cho đến khi con cái khôn lớn và Đào Lang công thành danh toại, bà mới từ biệt để đi chu du thiên hạ.
      Sau này, khi Đào Lang là chồng con của bà về cõi tiên. Nỗi nhớ thương chồng con vẫn không nguôi nên bà lại xin vua cha giáng trần lần thứ 3 để kết duyên với kiếp sau của Đào Lang tại vùng đất Sầm Sơn. 
Tượng Mẫu dưới hình dáng một cô thôn nữ tại Phủ Quảng Cung

       Bà là người căm ghét mọi sự nhiễu nhương của xã hội và đấu tranh không mệt mỏi với tệ nạn này. Sau lần giáng sinh lần thứ 3 nàng đã giáng làm cô gái bán hàng xinh đẹp ở đất Đèo Ngang - Phố Cát để trị quan tham, trị lũ giặc cướp quấy nhiễu nhân dân. Bà cả gan trị cả thái tử ngông cuồng, đam mê dâm dục của vua Lê. Danh thơm chính trực về bà lúc đó đã vang khắp nước.
      Nói về tài cầm kỳ thi họa thì hiện nay còn lưu truyền việc đối đáp thi ca với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan ở Phủ Tây Hồ. Câu chuyện đối đáp này được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm ghi thành truyện để lưu danh muôn thủa, đã làm ngả nghiêng thán phục cả giới thi ca từ thời đó đến nay.
      Khi trở thành Mẫu Nghi Thiên hạ bà luôn ngày đêm tâm nguyện phù cho dân cho nước. Những câu chuyện Mẫu phù cho dân cho nước thì không thể kể xiết. Lịch sử còn ghi lại Mẫu đã giáng hóa thành một cụ bà ở Quán Cháo cứu giúp vua Quang Trung kéo quân ra bắc tiêu diệt giặc Thanh. 
        


EmoticonEmoticon