Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

Đền Quán Thánh - Ngôi đền linh thiêng

        Đền Quán Thánh, tên chữ là Trấn Vũ Quán. Đền Quán Thánh thờ thần Trấn Vũ nên còn được gọi là Đền Trấn Vũ ( đọc chệch Đền Trấn Võ).
        Đền Quán Thánh là một trong tứ trấn linh thiêng của thành Thăng Long ngày xưa. Đền Quán Thánh trấn ở phương bắc nên còn gọi là Bắc Trấn Linh Từ.
        Đền Trấn Vũ nằm ngã tư cắt giữa đầu đường Thanh Niên và phố Quán Thánh, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội. 

Tứ trấn thành Thăng Long là những đền nào

       Bốn ngôi đền đó là: Đền Bạch Mã (trấn giữ phía Đông kinh thành); Đền Voi Phục (trấn giữ phía Tây kinh thành); Đền Kim Liên (trấn giữ phía Nam kinh thành); Đền Quán Thánh (trấn giữ phía Bắc kinh thành).
Đền Quán Thánh xưa. Đây là những ngôi đền linh thiêng của thành Thăng Long.

Lịch sử đền Quán Thánh

      Tương truyền đền có từ đời Lý Thái Tổ (1010-1028). Nhưng theo cuốn Kiến trúc cổ Việt Nam, thì đền được khởi dựng năm 1012.
      Đời vua Lê Hy Tông. Trịnh Tạc ủy cho con là Trịnh Căn chủ trì việc đúc pho tượng Thánh Trấn Vũ bằng đồng thay cho tượng gỗ.
      Năm 1794, đời vua Quang Toản, viên Đô đốc Tây Sơn là Lê Văn Ngữ cho đúc chiếc khánh đồng lớn.


      Năm 1842, vua Thiệu Trị đến thăm đền và ban tiền đúc vòng vàng đeo cho tượng Trấn Vũ.
      Năm 1962, Đền được công nhận di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia.

Thần Trấn Vũ là ai

        Thần Trấn Vũ là thần trấn quản phương Bắc đã nhiều lần giúp nước Việt đánh đuổi ngoại xâm. Lần thứ nhất vào đời Hùng Vương thứ 6 đánh giặc từ vùng biển tràn vào, lần thứ hai vào đời Hùng Vương thứ 7 đánh giặc Thạch Linh... Trong bản ghi chép còn có chi tiết Huyền Thiên Trấn Vũ giúp dân thành Thăng Long trừ tà ma và yêu quái, giúp An Dương Vương trừ tinh gà trắng xây thành Cổ Loa, diệt Hồ ly tinh trên sông Hồng đời Lý Thánh Tông...
      Tương truyền thời Vua An Dương Vương xây thành cứ ngày đắp, đêm lại bị đổ vì yêu ma Bạch Kê Tinh phá hoại. Sử sách chép rằng: “Ngày Tinh Gà Trắng trú ẩn ở núi Thất Diệu, đêm lại xuất hiện. Vua không có cách nào trừ khử bèn lập đàn cầu khẩn, được Huyền Thiên Trấn Vũ sai thần Kim Quy (tức sứ Thanh Giang) hiện ra mách bảo kế giết Bạch Kê Tinh nên thành ốc mới xây xong”.


       Lý Thái Tổ sau khi dời đô ra Thăng Long đã đến núi Sái cầu Huyền Thiên và sinh được hoàng tử. Thấy công đức của Huyền Thiên rất to lớn, Nhà Vua đã cho xây đền Trấn Vũ (tức đền Quán Thánh) ở phía bắc kinh thành, xin rước hiệu duệ Huyền Thiên về ở đó để thờ. Đền Quán Thánh được coi như trấn Bắc Thăng Long từ đó.
      Đến thời Pháp, người Pháp nhiều lần định phá hủy tượng thần, hun nóng cho chảy ra lấy đồng nhưng không thể nung chảy được, quân lính cũng liên tục bị bệnh ốm chết, phải bỏ chạy.
      Có lần quân Pháp càn, cán bộ cách mạng còn chui vào trong đền, nằm gọn dưới chân tượng thần Trấn Vũ. Địch vào sục sạo một hồi nhưng không phát hiện được, sau cũng không dám làm càn chốn uy nghiêm nên cán bộ thoát.

Nét đặc sắc của đền Trấn Vũ

      Có lẽ đặc sắc nhất của Đền Trấn Vũ là tượng của thần Trấn Vũ. Trước kia tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được làm bằng gỗ, đến năm 1677 được đúc lại bằng đồng đen. Tượng cao 3,07m, chu vi 8 m, nặng 4 tấn. Tượng có khuôn mặt vuông, râu dài, tóc xõa, mặc áo đạo sĩ, ngồi trên bục đá, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn và chống lên lưng một con rùa. Tượng Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo duy nhất tại Việt Nam, khẳng định nghệ thuật đúc đồng và tạc tượng của người Hà Nội cách đây hơn ba thế kỷ.


      Trên gác tam quan có quả chuông đồng cao 1.5m, nặng 1 tấn, được đúc vào năm 1677, triều đại vua Lê Hy Tông. Tiếng chuông này đã đi vào ca dao với những câu thơ đậm chất trữ tình:
 Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”
      Ngoài ra, trong đền còn có chiếc khánh bằng đồng được đúc vào thời chúa Trịnh (thế kỷ 17 – 18) do đô đốc Lê Văn Ngữ quyên tiền để đúc thành. Chiếc khánh có chiều ngang 1,25m, chiều cao 1,1m.


EmoticonEmoticon